Môn thể thao “lai” giữa quần vợt, bóng bàn và cầu lông đang có một tốc độ lan tỏa đáng nể tại Việt Nam. Tiêu biểu như sự kiện thể thao gây quỹ hỗ trợ đồng bào cơn bão số 3 với sự tham dự của lãnh đạo TP.HCM mới đây, pickleball chính là môn được chọn, nói lên mức độ phổ biến và yếu tố dễ chơi của nó.
Pickleball không phải là môn thể thao “lạ” du nhập đến Việt Nam sau khi trở thành trào lưu trên thế giới. Trước đó có teqball, hockey trên cỏ hay thậm chí là bóng chày, bóng mềm (squash)…
Nhưng pickleball phát triển nhanh hơn, thậm chí có khả năng trở thành môn phổ biến tại Việt Nam. Nếu nhìn dưới góc độ của các nhà quản lý, thì pickleball như đang “trao” cho thể thao Việt Nam (TTVN) một cơ hội “đi tắt, đón đầu”, bởi nhiều lý do: Phong trào lan rộng; môn chơi phù hợp với thể chất người Việt; mới khởi phát nên dễ quy hoạch, định hướng và thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, do môn chơi này cũng mới mẻ so với cả thế giới nên có thể xem như chúng ta đang cùng xuất phát điểm đào tạo một thế hệ VĐV mới.
Tất nhiên là chuyện pickleball có trở thành một môn thể thao chuyên nghiệp, được đưa vào thi đấu ở các đại hội quốc tế chính thức hay không, thì cần có thêm thời gian và cũng phụ thuộc vào sự vận động của pickleball thế giới. Nhưng câu chuyện về sự phát triển nhanh của pickleball lại đặt ra một vấn đề khác cho TTVN.
Theo một thống kê, thể thao Đông Nam Á đã giành huy chương Olympic ở 13 môn thi, trong đó hầu hết chia theo hạng cân như cử tạ, quyền Anh, taekwondo, hoặc có gốc gác châu Á như bóng bàn, cầu lông, hay không đòi hỏi chiều cao như thể dục dụng cụ, nhảy cầu, bắn súng hay bắn cung.
Dù chưa giành huy chương nhưng các đoàn Đông Nam Á đều cố gắng tìm kiếm suất dự Olympic tại các môn mới lạ như BMX, ván trượt biểu diễn…
Một chiến thuật phổ biến trong việc săn huy chương là tập trung vào các môn hoặc nội dung ít nước tham gia, hoặc không được nhiều nước mạnh quan tâm. Chẳng hạn nội dung leo núi thể thao tốc độ mà Indonesia có HCV thì chỉ 11 nước tranh tài. Về cơ bản, các môn này cũng được xếp vào dạng “môn mới”, giúp các nền thể thao kém sẽ có được điểm khởi đầu như các quốc gia mạnh.
Câu chuyện của pickleball cho thấy, nếu các môn mới, “lạ” nhưng phù hợp với các điều kiện tại Việt Nam như địa điểm, tính dễ chơi, ít tốn kém… thì khả năng phát triển là có. Vấn đề còn lại là TTVN phải có một chiến lược dành riêng cho nó nhằm tận dụng các ưu thế đặc thù của VĐV Việt Nam trước khi kỳ vọng môn thể thao ấy sẽ được đưa vào chương trình các đại hội lớn. Ví dụ pickleball, dù đang là “trào lưu” nhưng chủ yếu vẫn nặng tính phong trào, dễ dẫn tới chuyện “cả thèm chóng chán”.
Chúng ta từng có môn billiards từng là môn thể thao “quốc dân” nhưng phải đến sau này mới thực sự có những bước chuyển đổi để biến nó thành môn nhà nghề tại Việt Nam. Quá trình ấy chậm hơn nhiều so với các quốc gia châu Á khác. Trong khi đó, như đã thấy, các cơ thủ Việt Nam đều có khả năng vươn đến tầm thế giới, kể cả với thể loại snooker cũng như là nội dung dành cho nữ.
Sẽ không thiếu các môn thể thao mới, hiện đại xuất hiện trong thời gian tới. Nhiều môn mới tại Olympic cũng có thể phát triển tại Việt Nam nhờ sự gần gũi và phù hợp thể chất. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, để duy trì đam mê thì cần có một cộng đồng và hệ thống giải quy củ. Nếu cứ chơi theo phong trào thì sẽ không có đủ đam mê và không sẵn sàng cam kết gắn bó lâu dài, thì chắc chắn là không thể tạo ra được thế hệ VĐV chuyên nghiệp.