Site icon JUN88

Nhà biên kịch Chu Hồng Vân: Tôi nghĩ mình “nghiện chữ”!

Nhà biên kịch Chu Hồng Vân: Tôi nghĩ mình "nghiện chữ"! - Ảnh 1.

Khi phim Gặp em ngày nắng giành giải phim truyện truyền hình xuất sắc tại Cánh Diều Vàng 2024, giải thưởng đồng thời gọi tên đạo diễn xuất sắc Nguyễn Đức Hiếu và biên kịch xuất sắc dành cho phim truyền hình là hai tác giả Lại Phương Thảo và Chu Hồng Vân

Thành công ở Gặp em ngày nắng được “gom lại” từ tài năng dàn dựng tác phẩm của đạo diễn cùng ê-kíp làm phim đã để lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Còn với tác giả kịch bản Chu Hồng Vân, chị cho rằng sự đón nhận của khán giả là giúp những người làm phim tự tin hơn vào một dòng phim hướng đến sự bình dị, ấm áp, nhân văn.

Biên kịch Chu Hồng Vân đã có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

Thành công không của riêng mình

*”Gặp em ngày nắng” không phải là bộ phim đầu tiên chị nhận giải biên kịch xuất sắc tại giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng. Vậy không biết cảm xúc của chị với giải thưởng lần này như thế nào? Và chị muốn chia sẻ gì về tác phẩm này trước những ghi nhận của giải thưởng?

– Giải thưởng tuy được trao cho cá nhân nhưng thành công của phim lại được tạo dựng bởi nhiều người. Nhóm biên kịch trong đó có tôi chỉ là những người chắp bút cho tác phẩm, còn làm nên bộ phim thì đó là công sức của cả một tập thể. Vì thế, dù lần đầu tiên hay lần này nhận giải, tôi luôn biết ơn đội ngũ mà họ đã hiện thực hóa những câu chữ mình viết.

Thành công của phim Gặp em ngày nắng không chỉ có công sức của nhóm tác giả mà còn do sự chắc tay, khéo léo của đạo diễn và diễn xuất thăng hoa của đội ngũ diễn viên ở cả tuyến trẻ và tuyến nhân vật người cao tuổi.

Ở kịch bản gốc, tôi viết đậm hơn về tuyến nhân vật người cao tuổi nên khi biết đạo diễn Đức Hiếu – người từng được biết đến với nhiều phim về đời sống giới trẻ – nhận làm phim này, tôi cứ nghĩ phim sẽ được thay đổi theo một hướng mới hợp gu đạo diễn hơn. Nhưng khi xem phim – với tư cách một khán giả – tôi đã rất bất ngờ. Tuy tuyến trẻ được đẩy lên và có nhiều màu sắc hơn nhưng vẫn giữ được câu chuyện riêng của những người cao tuổi khiến cho phim có những khoảng lặng rưng rưng. Nó vừa đủ để nhiều người xem sống chậm lại, suy nghĩ vào một thời khắc rất đặc biệt là chuẩn bị đón năm mới.

Các diễn viên gạo cội diễn có chiều sâu. Và đặc biệt là cặp diễn viên trẻ Đình Tú – Anh Đào đã khiến nhiều khán giả yêu mến. Ở những tập sau này, dường như nhiều khán giả không còn quan tâm biên kịch viết tình huống gì, họ chỉ cần thấy nhân vật họ yêu thích vào giờ phát sóng bộ phim này.

Gặp em ngày nắng là bộ phim dung dị. Phim đủ để cho người ta thấy vui, cũng đủ cho người ta thấy ấm áp, nhẹ nhõm. Đây cũng là một “màu” khác biệt mà Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đang tiếp tục bên cạnh những dòng phim khác.

* Chị có thể nói rõ hơn về dòng phim mà chị nói đến không? Đây có phải dòng phim phù hợp với lựa chọn của chị ở tư cách biên kịch?

– Cùng thời điểm phát sóng của phim Gặp em ngày nắng vào đầu năm 2024, có một phim khác là Lỡ hẹn với ngày xanh (đạo diễn Trần Hoài Sơn), tôi cũng tham gia viết kịch bản (cùng với Chu Hà Linh và Hoàng Vân Anh). Phim Lỡ hẹn với ngày xanh tuy không mang lại hiệu ứng mạnh như Gặp em ngày nắng nhưng cũng là phim được nhiều khán giả trẻ thích vì mang lại nhiều cảm xúc lành mạnh, từ chính cách hành xử hay lựa chọn sống của nhân vật. Thay vì chọn điểm nhấn là những tình huống drama kiểu mâu thuẫn, oán hận, trả thù…, phim khắc họa khát vọng, ước mơ của một thế hệ người trẻ, cách họ cùng nhau vượt lên nỗi buồn, tổn thương. Sự ghi nhận của khán giả khiến tôi – một người viết – nhận thấy dòng phim “chữa lành” đang được nhiều người đón nhận.

Có vẻ như cuộc sống đã có quá nhiều chuyện buồn. Những thông tin tiêu cực từ mạng xã hội mỗi ngày đổ ập vào chúng ta, mang đến những cảm xúc u ám, sự hoang mang trong khi trong sâu thẳm mỗi người, đều muốn tin vào điều gì đó đẹp đẽ hơn, ấm áp hơn. Có thể điều đó khiến cho nhiều người thích hướng đến dòng phim nhẹ nhõm, ấm áp.

Hiện đang có một phim mang màu sắc này cũng được nhiều khán giả yêu thích là Hoa sữa về trong gió (đạo diễn Bùi Tiến Huy).

* Dòng phim như chị nói, đúng là người xem có thể thấy dễ chịu, thư giãn nhưng cũng vì thế, có thể xem xong rồi sẽ quên. Vậy làm thế nào để những bộ phim như vậy dù hết nhưng thông điệp của phim vẫn lan tỏa lâu dài, theo đúng tinh thần trách nhiệm như chị vừa nói?

– Điều này phụ thuộc vào biên kịch, đạo diễn và cả diễn viên. Trong đó vai trò đạo diễn và diễn viên rất lớn. Điều để khán giả nhớ lâu có thể không phải tình huống truyện mà là cảm xúc mà họ có khi xem phim. Nhiều người vẫn xem đi xem lại những phim mình đã biết rõ nội dung, chỉ vì muốn sống lại với cảm xúc. Và để mang đến cảm xúc mạnh cho khán giả, phim phải giống cuộc đời, diễn phải như không diễn. Những câu thoại hay có thể mang đến cảm xúc, khiến người ta ngấm và làm theo nhưng cũng có thể “không lọt tai” vì giống như lời giáo huấn, nếu làm không tốt.

* Vậy để có những phim có tác động tích cực đến đời sống, nhất là thế hệ trẻ, theo chị cần lắng nghe và lựa chọn những đề tài phù hợp với nhu cầu của người xem?

– Phim truyền hình nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung, theo tôi ngoài tính nghệ thuật, tính giải trí, còn có trong đó trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng. Phim truyền hình có một thế mạnh hơn nhiều loại hình khác là có lượng khán giả đông đảo, có thể tác động đến nhiều đối tượng, nhiều thế hệ, lứa tuổi. Phim có thể phản ánh cuộc sống gần gũi xung quanh, thậm chí mang tính thời sự. Chính vì thế, tôi càng cho rằng, nhà làm phim cần quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm xã hội.

Không chỉ chạy theo thị hiếu, chạy theo nhu cầu, mà ở khía cạnh nào đó, người làm trong lĩnh vực sáng tác, người làm phim cũng cần phải là người dẫn dắt, định hướng thị hiếu.

*Như chị nói, thành công của một bộ phim đến từ đạo diễn và diễn viên rất lớn. Hiện nay, phim truyền hình cũng đón nhận một lớp diễn viên trẻ với nhiều sự quan tâm của công chúng. Chị có thể nói gì về họ?

– Với tư cách là khán giả tôi hay tò mò, thích thú với những gương mặt mới. Vì họ sẽ có những cảm xúc tươi mới, nguyên sơ, có thể họ có sự dấn thân, thực sự sống với nhân vật hơn. Nhưng dĩ nhiên “người mới” cũng nhiều rủi ro hơn. Còn các diễn viên chuyên nghiệp, họ có thể bảo đảm vai diễn tròn trịa, nhưng nhiều người bị đóng đinh ở môt vài vai diễn thành công sẽ rất khó làm mới. Nhất là khi các bạn nhận nhiều vai trong cùng một thời điểm mà không có khoảng dừng để tái tạo năng lượng, suy nghĩ về cách thay đổi, làm mới mình.

Vì sao đội ngũ diễn viên gạo cội ở tuổi xế chiều họ vẫn diễn “đỉnh”? Vì tôi chắc họ đã dành rất nhiều tâm huyết với nghề và coi trọng, nâng niu những vai diễn dù rất phụ. Đó là những tấm gương cho thế hệ nghệ sĩ sau này.

Nghề báo là số 1

* Chị theo đuổi viết kịch bản từ khi nào?

– Năm 2010 tôi mới bắt đầu công việc này. Viết kịch bản cũng là một sự “cân bằng” nghề đối với tôi ở thời điểm tôi quyết định viết. Bởi đó là những năm tháng tôi đang vắt kiệt sức vì nghề báo. Rồi tôi nhận ra, nếu mình cứ dồn sức vào một việc, đến lúc nào đó, sẽ rất dễ bị “sốc”. Và tôi nghĩ mình nên viết. Sáng tác cũng là mơ ước của tôi từ khi tôi còn rất trẻ, trước cả khi tôi làm báo.

Tôi không được đào tạo chính quy nghề biên kịch mà học qua công việc, qua cộng sự. Những người thầy của tôi chính là các đạo diễn, biên tập, diễn viên mà tôi có cơ hội làm việc chung. Tuy vậy, là một nhà báo, tôi có lợi thế khi được đi nhiều, gặp nhiều người, biết nhiều chuyện. Điều đó giúp ích cho tôi để có những ý tưởng, chất liệu cho kịch bản.

* Sau những gì chị đã làm ở vai trò biên kịch thì đâu là những đề tài có sức hút với chị?

– Đề tài trẻ con và phụ nữ luôn đem lại cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi luôn có cảm xúc từ thân phận người phụ nữ, góc khuất trong đời sống của những đứa trẻ. Đặc biệt là muốn viết về sức mạnh nội tại giúp họ vượt lên cảnh ngộ để sống đẹp hơn, tử tế.

Hướng thiện có lẽ là nhu cầu của tất cả mọi người, kể cả những người từng đã sai lầm, hay làm điều xấu. Những sáng tác nói chung hay kịch bản nói riêng cũng không nằm ngoài đích đến này. Và tôi hay suy nghĩ đến việc làm như thế nào để có thể truyền được cảm xúc, năng lượng tích cực đến với nhiều người.

* Có thể nhìn thấy điểm chung trong những lĩnh vực mà chị theo đuổi, từ học khoa văn, làm báo rồi viết kịch bản đều liên quan đến chữ nghĩa. Nhưng không biết, điều gì khiến chị gắn bó với cả 3 lĩnh vực?

– Điểm chung…, có lẽ là đều liên quan tới chữ nghĩa. Tôi đã đi, đã nghe, đã quan sát và tôi muốn viết, luôn cảm thấy thôi thúc phải viết. Nó không chỉ là công việc mà còn là sự say mê, hạnh phúc nữa.

Tuy vậy, nếu ai hỏi tôi làm nghề gì, tôi sẽ vẫn chỉ nói “nghề báo”. Đó là lựa chọn số 1. Nghề báo không chỉ là nghề nuôi tôi mà là nghề để tôi cảm nhận sâu sắc về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng. Đó là điều “định hướng” cho tôi để luôn ý thức về trách nhiệm khi sáng tác sau này.

* Vậy chị cân bằng thời gian của mình như thế nào?

– Không thể là người phụ nữ của gia đình hoàn hảo nhưng tôi vẫn cố gắng thu xếp công việc nhà như đi chợ, nấu ăn, lo cho con cái. Nhưng dĩ nhiên, gia đình cũng phải chia sẻ, thông cảm cho tôi rất nhiều vì tôi luôn bận rộn. Đôi khi không có giờ giấc, không có ngày nghỉ. Tôi tranh thủ viết ở mọi nơi, mọi lúc có thể nên cũng ít thời gian để đi chơi, tán gẫu với bạn bè. Nhiều lúc tôi nghĩ, có thể tôi là người “nghiện chữ”. Vì chỉ có “nghiện” thì mới không thấy mệt mỏi, nặng nhọc vì nó.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả Chu Hồng Vân theo đuổi nghề báo trước khi bắt đầu viết kịch bản phim (năm 2010). Hiện tại, chị đang làm việc tại báo Tuổi trẻ, lĩnh vực giáo dục.

Năm 2017, chị là đồng tác giả nhận giải Biên kịch xuất sắc nhất tại giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam cho phim Lựa chọn cuối cùng. Năm 2024, chị là đồng tác giả nhận giải biên kịch phim truyền hình xuất sắc nhất cho phim Gặp em ngày nắng.

Trong hơn 30 năm làm nghề báo, chị được biết đến với bút danh Vĩnh Hà. Ở lĩnh vực sách, chị đã xuất bản ba cuốn Cùng con đi qua tuổi teen (đồng tác giả) năm 2018, cuốn Chân dung của ly hôn năm 2023 và cuốn Chuyện thầy trò (đồng tác giả) năm 2023.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ