Được tổ chức nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), chào mừng 68 năm và hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (1956 – 2024), chương trình nghệ thuật Cảm xúc tháng 10 hứa hẹn là “bữa tiệc âm nhạc” đầy cảm xúc và đa sắc màu, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của đất và người Hà Nội.
Sau thành công của Mùa Thu vàng năm 2023, Cảm xúc tháng 10 tiếp tục hứa hẹn là chương trình âm nhạc chất lượng cao, hài hòa giữa tính hàn lâm và thị hiếu của khán giả đại chúng.
Với loạt ca khúc nổi tiếng về Hà Nội sẽ được thể hiện, đêm nhạc không chỉ gợi nhớ về những ngày tháng 10 lịch sử cách đây 70 năm khi đoàn quân giải phóng tiến về Hà Nội, mà còn cho thấy sự tiếp nối truyền thống, làm nổi bật lên một hình ảnh Hà Nội hào hùng, lãng mạn, quyến rũ dù là trong ký ức hay hiện tại.
Âm nhạc thính phòng, xẩm và… rap
Là chương trình trọng điểm, được đầu tư lớn của Khoa Thanh nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) trong năm 2024, TS-NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện, bày tỏ sự kỳ vọng về Cảm xúc tháng 10: “Chương trình được tổ chức như một lời tri ân đến Thủ đô Hà Nội thân thương đã chứng kiến từng ngày phát triển của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bản thân Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng tự hào trong quá trình ấy, đã đem tới cho Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung rất nhiều nhân tài trong lĩnh vực nghệ thuật, nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô, của đất nước”.
Một điểm nhấn mang tính biểu tượng của chương trình sẽ là sự hội tụ của rất nhiều “tinh hoa” trưởng thành từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từ các giảng viên kỳ cựu của Khoa Thanh nhạc, như NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Lan Anh, NSƯT Tân Nhàn, NSƯT Phương Nga, NSƯT Phương Uyên, các ca sĩ Anh Thơ, Tuấn Anh, Phúc Tiệp, Lê Anh Dũng, Nguyên Vũ, Đào Tố Loan, Bích Hồng; cho tới các ca sĩ trẻ như Hương Ly, Hương Diệp, Khánh Ly, Mạnh Hoạch, Quang Tú, Ngọc Định, nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh – Trịnh Minh Trang, MC Lê Anh và Mỹ Lan. Đặc biệt, một nghệ sĩ “đắt sô” từng theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là Quang Hà cũng góp mặt, bên cạnh rapper trẻ Mezzo là khách mời của chương trình.
Đáng chú ý, trong chương trình năm nay, một số sinh viên đoạt giải ở các kỳ thi âm nhạc quốc tế cũng sẽ tham gia biểu diễn cùng các thầy cô của mình. Tất cả cùng kết hợp nhằm mang đến một chương trình được đầu tư công phu, hấp dẫn.
Bên cạnh đó, chương trình được xây dựng kịch bản kỹ lưỡng, các tác phẩm và người thể hiện được lựa chọn cẩn thận để đưa khán giả đến với các bậc cảm xúc khác nhau, qua nhiều thể loại âm nhạc. Chương trình sẽ có những tác phẩm kinh điển về Hà Nội như Hà Nội đêm trở gió, Nhớ về Hà Nội, Lãng đãng chiều Đông Hà Nội… kết hợp những tác phẩm đi sâu vào nội tâm, và cả những tác phẩm mang hơi thở mới, hiện đại như Hà Nội 12 mùa hoa, Xẩm Hà Nội…
Những bản nhạc, bài hát vốn hết sức quen thuộc, nhưng với sự sáng tạo của các thầy cô và học sinh, sinh viên của học viện, sẽ mang đến những màu sắc mới mẻ, lạ lẫm. NSƯT Tân Nhàn, Tổng đạo diễn chương trình, cho biết, khán giả sẽ được thấy các giọng ca quen thuộc ở những mảng như opera, thính phòng…, chuyển sang thể hiện những ca khúc không phải sở trường của mình như xẩm, nhạc nhẹ. Chẳng hạn, khán giả sẽ được nghe nghệ sĩ Phúc Tiệp hát nhạc trữ tình, hoặc các giọng ca opera như Mạnh Hoạch, Hương Ly hát nhạc trẻ, nhạc nhẹ, thậm chí là xẩm…, để thấy được sự đa màu sắc của các nghệ sĩ, và sự đa màu sắc đó làm nên sự phong phú cho đêm nhạc”.
Lần đầu tiên thể hiện bài hát Gửi người em gái miền Nam, ca sĩ Phúc Tiệp – giảng viên Khoa Thanh nhạc bày tỏ: “Khoa đang hướng đến việc để những giọng hát đầy đủ kỹ năng điêu luyện về thanh nhạc cổ điển thính phòng nhưng vẫn thể hiện được tất cả các bài hát có đời sống gần gũi với khán giả. Đó là cách tiếp cận để khán giả thấy rằng, các giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hoàn toàn có thể hát những tác phẩm gần gũi đại chúng, với sự điêu luyện trong xử lý âm thanh và tác phẩm”.
Quyết làm sự kiện chất lượng và không sợ… lỗ
Được xem là chương trình đặc biệt quan trọng đối với Khoa Thanh nhạc nên các giảng viên đều dành sự tập trung rất lớn cho Cảm xúc tháng 10. Mỗi giảng viên đều tự đặt ra thử thách, rằng phải hát những tác phẩm theo cách mới mẻ hơn, đồng thời dồn sự tâm huyết cũng như sự tập trung để có chất lượng cao nhất.
NSƯT Tân Nhàn khẳng định: “Chúng tôi coi đây là dịp để “trưng trổ” thương hiệu của mình, để khán giả thấy rằng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là cái nôi đào tạo. Chúng tôi sẽ cống hiến cho khán giả chương trình nghệ thuật đa màu sắc”.
Riêng về vấn đề tài chính,lúc được hỏi về những khó khăn khi Khoa Thanh nhạc quyết định tổ chức một sự kiện hoành tráng với quy mô hơn Mùa Thu vàng hồi năm ngoái,NSƯT Tân Nhàn tiết lộ: “Năm nay, do hiệu ứng của chương trình năm trước và cả những chương trình khác của Khoa, khán giả đã biết đến nhiều hơn. Khi mới chỉ có thông tin thì chúng tôi đã bán được rất nhiều vé”.
“Năm nay chương trình chắc chắn sẽ không lỗ. Chúng tôi đầu tư lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, để quý vị được thưởng thức chương trình âm nhạc hoành tráng đúng nghĩa. Khi chúng tôi bắt đầu làm chương trình đã có nhà tài trợ tìm tới hỗ trợ chúng tôi thực hiện. Đó là niềm tự hào, khẳng định thương hiệu của Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam” – cô nói thêm.
Đêm nhạc do Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra lúc 20h ngày 4/10 tại phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, số 77 Hào Nam, Hà Nội.
Chương trình do TS-NSND Quốc Hưng chỉ đạo nghệ thuật, TS-NSƯT Tân Nhàn là Tổng đạo diễn, nghệ sĩ Sơn Thạch là Giám đốc âm nhạc, đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Giang.
Cảm xúc tháng 10 chia thành 4 chương, với các chủ đề và không gian âm nhạc khác nhau. Trong đó, chương đầu tiên Thăng Long – Hà Nội là những tác phẩm thính phòng cổ điển, những bản hùng ca đi cùng năm tháng về Hà Nội như Người Hà Nội, Bài ca Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng… Đó là những ca khúc được viết bởi những nhạc sĩ nổi tiếng đã từng trải qua thời kỳ chiến tranh, tái hiện Hà Nội hùng tráng, kiên cường. Chương 2 sẽ làHà Nội ngày tháng cũ, chương 3 – Hà Nội những mùa nhớ, và chương 4 – Khúc hát người Hà Nội.