Site icon JUN88

Bóng đá Việt Nam: 10 năm sau một cái bắt tay

Câu chuyện thể thao: 10 năm sau một cái bắt tay - Ảnh 1.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa ký thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA), qua đó tiếp tục nhận được các hỗ trợ từ đối tác Nhật Bản thêm một thời gian nữa. Đây thực chất thủ tục gia hạn quá trình hợp tác vốn đã được hai bên ký kết từ năm 2014 và sau đó đã nâng lên mức “toàn diện” vào năm 2018.

1. Mười năm trước, sự kiện hợp tác này ra đời khi bóng đá Việt Nam lúc đó xác định sẽ “học người Nhật làm bóng đá” bằng một nghị quyết hẳn hoi do VFF ban hành. Hợp tác trong bóng đá thì chúng ta cũng ký với nhiều bên, không có gì quá to tát, nhưng thoả thuận khi đó với làng cầu Nhật Bản được xem kỳ vọng rất cao vì chúng ta lần đầu xác định rất rõ là phải “đi học”.

Thực tế thì lúc đó, bóng đá Việt Nam đang ở tận cùng sự thất vọng. Bị loại ngay từ vòng bảng AFF Cup 2012 và SEA Games 2013. Giải đấu số 1 quốc gia tràn lan tiêu cực đến mức các ông bầu phải gây áp lực lên VFF một cách quyết liệt dẫn đến sự ra đời của Công ty VPF vào năm 2012. Các đội tuyển quốc gia mất phương hướng, bế tắc đến mức phải sử dụng HLV nội để hy vọng tạo ra điều gì đó khác biệt…

Quyết tâm “đi học” của bóng đá Việt Nam là có thật. Các đội tuyển được giao cho HLV đến từ Nhật Bản là ông Toshiya Miura với hi vọng sẽ truyền tải được “triết lý bóng đá” vốn đã giúp cho Nhật Bản trở thành đội bóng số 1 châu Á.

V-League thì được các chuyên gia của J-League sang, có người làm cố vấn, có người còn trở thành Trưởng ban tổ chức. Các thương hiệu Nhật Bản chiếm đa số danh sách các nhà tài trợ đội tuyển quốc gia. Tiền đạo Lê Công Vinh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản chơi bóng, ở J-League 2…Bầu không khí lúc đó chuyển biến rõ rệt.

Nhưng mọi thứ không kéo dài quá lâu. HLV Toshiya Miura phải rời ghế sớm, các chuyên gia Nhật Bản cũng chỉ gắn bó với V-League được 3 mùa, tạm biệt trong sự im lặng. Lê Công Vinh cũng chỉ trụ được tại J-League 2 chưa đầy 1 năm.

Câu chuyện về “đi học người Nhật làm bóng đá” cũng chẳng còn ai nhắc đến kể từ lúc một người Hàn Quốc xuất hiện và tạo ra giai đoạn thăng hoa trên nhiều khía cạnh, đó là HLV Park Hang Seo cùng chu kỳ “vàng son” khởi đi từ 2018.

2. Một sự kiện có liên quan đến bóng đá Nhật Bản vừa xảy ra: tiền đạo Công Phượng sẽ về Việt Nam chơi bóng sau quãng thời gian gần như không thi đấu trong màu áo Yokohama FC, đánh dấu việc “sạch bóng” cầu thủ Việt Nam ở bóng đá đỉnh cao nước ngoài.

Công Phượng sang Nhật Bản 2 lần, cho 2 đội bóng khác nhau ở cả J-League 1 và 2. Ngoài cựu cầu thủ của HA.GL này còn có Nguyễn Tuấn Anh, Đặng Văn Lâm cùng một số cầu thủ ít tên tuổi khác sang giải J-League 3 chơi bóng theo hình thức trao đổi, du học.

Cũng từ sự kiện Công Phượng, mà có thể nói, điểm đáng chú ý nhất trong quá trình hợp tác 10 năm qua giữa 2 nền bóng đá là việc phía bạn tạo điều kiện cho nhiều đội tuyển của chúng ta sang tập huấn, thi đấu.

Nói đơn giản, bạn đóng vai trò nhà tài trợ giúp chúng ta giảm gánh nặng chi phí. Còn ở khía cạnh chuyên môn, điều mà chúng ta cần ở “ông thầy Nhật Bản”, thì kết quả chưa thật sự rõ ràng.

Như mới đây, những ý tưởng của HLV Philippe Troussier, công thần của bóng đá Nhật Bản, cũng đã áp dụng không thành công ở đội tuyển quốc gia.

Nghĩa là 10 năm qua, chúng ta chưa học được gì nhiều từ bóng đá Nhật Bản. Hay nói cho sòng phẳng, thì phần lớn quá trình hợp tác là tận dụng sự giúp đỡ của phía bạn, còn hiệu quả thực sự từ chuyện “đi học” của chúng ta thì không thấy rõ.

Tiêu biểu như cách đây 5 năm, đội Sài Gòn FC từng có chiến lược “J-League hóa” CLB của mình, cố gắng gửi nhiều cầu thủ sang Nhật Bản để rèn luyện, nhưng đội bóng này giờ đã “biến mất”, cũng nhanh như lúc mà chúng ta mời các chuyên gia của họ sang điều hành V-League vậy.

Trong khi đó, căn cứ theo thoả thuận hợp tác giữa VFF và JFA thì “tài nguyên” để bóng đá Việt Nam học hỏi rất rộng lớn. Từ bóng đá trẻ, đến bóng đá nữ, trao đổi cầu thủ rồi hoạt động đào tạo, bóng đá cộng đồng, kinh nghiệm phát triển J-League…

Đó đều là những thứ mà bóng đá Nhật Bản rất mạnh, đi trước rất xa so với phần còn lại của châu Á. Nhưng như đã nói, gần như chúng ta chỉ mới khai thác được phần ngọn, với việc được sang Nhật Bản tập huấn. Yếu tố này, lại không liên quan đến chuyện “đi học” như tiêu chí hồi năm 2014.

3. Để có một mối quan hệ tốt với bóng đá Nhật Bản, quốc gia có sự gần gũi với Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực, thì đó là một cơ hội không thể bỏ qua. Bóng đá Nhật Bản tiến một bước rất xa ở tầm thế giới, lại càng khiến cho chúng ta phải tìm cách học hỏi ở một “ông thầy” đẳng cấp như thế.

Nhưng cứ lấy nỗ lực bất thành của cá nhân một cầu thủ như Công Phượng, sẽ thấy rằng việc tìm cách tiếp cận đẳng cấp, chất lượng của bóng đá Nhật Bản không thể nằm ở số lượng cầu thủ sang J-League chơi bóng, hay một vài trận đấu ấn tượng trước đội tuyển Nhật Bản hay CLB của họ.

Ở giai đoạn thấp điểm nhất, chúng ta vẫn có Lê Công Vinh ra sân và ghi bàn tại J-League 2, thì lẽ ra sau khi hợp tác được 10 năm, phải có nhiều Lê Công Vinh hơn thế mới đúng. Đằng này …

Vì thế mà việc gia hạn hợp tác giữa VFF và JFA thời điểm này đáng để suy nghĩ. Chúng ta đã “lỡ” một cơ hội để “học”, bây giờ liệu có thể khác hơn được không. Phía bạn sẵn sàng giúp chúng ta là một chuyện, quan trọng là phải biết mình nên học phần nào, mảng nào để không quá ôm đồm mà trở thành lãng phí.

Ví dụ như có J-League 1 đang ở tầm quá cao, chưa chắc là điều mà chúng ta có thể học được, nhưng việc liên kết đào tạo trẻ, mô hình bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường thì hoàn toàn có thể.

Hơn nữa, bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn chững lại, nguyên nhân nằm ở phần hạ tầng của nền bóng đá không vững chắc khiến cho nguồn cung cấp cầu thủ cạn kiệt. Trong khi đó, người Nhật lại làm rất tốt việc này nhờ hơn 30 năm xây dựng phần gốc rễ trong đào tạo nguồn nhân lực. Đó chính xác là điều mà chúng ta nên học trước khi nghĩ đến việc “J-League hóa” V-League hay đạt đến đẳng cấp chơi bóng như đội tuyển Nhật Bản.

Làm sao để hằng năm, ngày càng nhiều cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản chơi bóng, bất kể là theo hình thức nào, hạng đấu nào. Quan trọng là khi họ trở về thì có một trình độ cao hơn. Làm được như vậy thì quý hơn nhiều so với các chuyến tập huấn của các đội tuyển dưới sự bảo trợ của JFA.

Chiều ngày 18/9, tại trụ sở Liên đoàn bóng đá Nhật Bản -JFA House đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA). Đây là sự tiếp nối chương trình hợp tác toàn diện đã được hai Liên đoàn bóng đá quốc gia triển khai thực hiện trong 10 năm vừa qua, kể từ lần ký kết đầu tiên vào năm 2014 cho đến nay.

Từ việc đánh giá tình hình thực tiễn của bóng đá Việt Nam, bên cạnh các nội dung hợp tác đã và đang thực hiện, tại lần ký kết gia hạn hợp tác lần này, hai Liên đoàn bóng đá thống nhất ưu tiên cho các chương trình mục tiêu, bao gồm các nội dung về công tác phát triển bóng đá nữ, bóng đá trẻ; thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa futsal Việt Nam và futsal Nhật Bản; thúc đẩy thỏa thuận hợp tác giữa V-League và J-League, tạo cơ hội cho cầu thủ Việt Nam thi đấu tại J-League và ngược lại; đào tạo và phát triển trọng tài chuyên nghiệp, tạo cơ hội cho các trọng tài, trợ lý trọng tài cấp cao AFC và FIFA của mỗi nước được điều hành các giải bóng đá trẻ, giải bóng đá giao hữu quốc tế tổ chức tại Nhật Bản và Việt Nam; tăng cường hợp tác về phát triển y học thể thao; tiếp tục tạo cơ hội cho các đội tuyển trẻ của mỗi nước tập huấn và tham gia các giải bóng đá giao hữu quốc tế; phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị ở mỗi quốc gia để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kiến thức về phát triển bóng đá…

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ